Với sự phát triển như vũ bão của khoa học & công nghệ, nhiều phương tiện, thiết bị, máy móc hiện đại, hỗ trợ truy cập thông tin tư liệu ra đời, đã làm thay đổi cách tiếp cận, khai thác thông tin của người đọc. Đẩy mạnh thư viện điện tử, thư viện số, hay đánh mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức cho người dùng? Đây là vấn đề đặt ra cho hệ thống thư viện Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đổi mới không gian thư viện.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một cuộc điều tra đối với 106 thư viện gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh, thành phố, 36 thư viện trường Đại học, Cao đẳng và 6 thư viện Bộ, ngành TW. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL TS. Vũ Dương Thúy Ngà, thì kết quả điều tra cho thấy: 98% thư viện có xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành nên vốn tài liệu điện tử, tài liệu số; trong đó một số thư viện, trung tâm thông tin – thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn, như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thư viện TP. Cần Thơ, Trung tâm Thông tin Thư viện – Đại học Quốc gia Hà Nội v.v…..
Trong quá trình xây dựng và vận hành, để tăng cường bổ sung cho vốn tài liệu điện tử, tài liệu số của mình, 35% thư viện ở Việt Nam đã thực hiện mua/ thuê quyền sử dụng tài nguyên số do đơn vị bên ngoài cung cấp. Để hình thành vốn tài liệu điện tử, có 37% thư viện cũng đã thực hiện liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác. Tuy nhiên, qua số liệu điều tra, thì thấy số lượng tài liệu điện tử của các thư viện hiện có chưa nhiều. Việc số hóa tài liệu được thực hiện trong các thư viện là tài liệu nội sinh (tại các trường đại học, viện nghiên cứu…), tài liệu hết bản quyền, tài liệu địa chí (trong các thư viện công cộng).
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bà Kiều Thúy Nga cho rằng, trong bối cảnh mới, chuyển đổi không gian thư viện là yêu cầu bắt buộc. Không gian mới sẽ phải được tăng cường ứng dụng số, thiết bị công nghệ hiện đại. Do đó, thư viện cần định hình lại các dịch vụ, đổi mới môi trường đọc & không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ số. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá, tổng thể thực trạng hoạt động, ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện hiện nay; đồng thời nghiên cứu, đánh giá tác động của công nghệ mới trong hoạt động thư viện, nhằm xác định những hạng mục ưu tiên, để có chính sách hợp lý, điều chỉnh chiến lược phát triển thư viện phù hợp sự phát triển của công nghệ mới và yêu cầu của xã hội.
Trước những biến chuyển nhanh chóng đang có những tác động lớn đến lĩnh vực thư viện, TS. Huỳnh Mẫn Đạt – Khoa Thư viện – Thông tin, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Thư viện sắp tới ra đời, cần có quy định cụ thể về thư viện điện tử và liên thông trong hoạt động thư viện. Nhà nước cũng cần sớm ban hành chính sách về truy cập mở, về sử dụng tài liệu điện tử, về quyền truy cập tài liệu điện tử đối với người sử dụng thư viện; đồng thời Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí, có chính sách khuyến khích đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu mở. Còn theo TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQG Hà Nội, việc quy định việc số hóa là điểm mấu chốt, có tính cách mạng của Luật Thư viện sắp tới. Nếu không được pháp lý hóa, sẽ làm khó sự phát triển của thư viện Việt Nam.
Số hóa tài liệu thư viện là cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia băn khoăn về vấn đề bản quyền & sở hữu trí tuệ khi thực hiện số hóa và liên kết thư viện số. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông: Có sự xung đột giữa thư viện số với Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu Luật Thư viện không làm rõ việc số hóa tài liệu, liên kết và chia sẻ tài liệu số, thì sẽ đến thời điểm, toàn bộ dữ liệu số đang sử dụng sẽ bị “đóng băng”. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thư viện hướng tới quản lý việc sử dụng tài liệu hiện có trong nước, nhưng cũng phải đặt vấn đề quản lý tài liệu mua của nước ngoài, nếu không, sẽ mất kiểm soát.
“Cởi trói” cho thư viện điện tử.
Bản quyền tác giả và truy cập mở là hai vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc truy cập và tra cứu tài liệu mở của các thư viện trong tương lai. Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng: Vấn đề bản quyền tác giả đang là “nút thắt” trong liên thông thư viện. Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Điều 25 quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, trong đó có khoản 1, mục đ là: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”. Nhưng để quy định này khả thi trong liên thông và xây dựng thư viện số, thì ai sẽ cho phép/cấp phép quyền truy cập tài liệu/tài nguyên thông tin trong các hệ thống thư viện ở Việt Nam? Hiện tại, một số thư viện có cơ sở dữ liệu thư mục (với hàng trăm nghìn biểu ghi và cơ sở dữ liệu toàn văn khá lớn), song nhà nước ta chưa có văn bản pháp quy nào để “cởi trói” cho việc truy cập mở các tài liệu và tài nguyên thông tin trong các thư viện.
“Cưỡi lên ngọn sóng hay bị nhấn chìm trong thủy triều” là cách nói mà Hiệp Hội Thư viện Thế giới (IFLA) ví von cho những thách thức mà ngành thư viện các quốc gia phải vượt qua trong điều kiện hiện nay. Theo đó, thư viện công cộng cần xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng các sưu tập số, với hệ thống cơ sở dữ liệu, cùng với các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nếu không sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức cho toàn xã hội.
Ở Việt Nam, Luật Thư viện đang được xây dựng và hoàn thiện, sắp tới sẽ được ban hành; được kỳ vọng sẽ giải quyết được triệt để những thách thức và rào cản đã nêu trên, tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai thành công thư viện điện tử trong kỷ nguyên số ở Việt Nam hiện tại và tương lai./.
__________
Ngọc Phương
(Nguồn Báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 03/8/2019)